Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng Việt cổ Đường Lâm vẫn giữ nét đẹp đặc trưng xưa với cây đa, giếng nước, sân đình, ao sen… Đến nơi đây một trong món quà quê để lại ấn tượng cho mọi du khách đó chính là đặc sản kẹo dồi, kẹo lạc, kẹo vừng, sản phẩm truyền thống của xứ Đoài-Sơn Tây.
Ngược dòng lịch sử, theo truyền thuyết xưa, nghề kẹo lạc xuất hiện từ thế kỷ 16, khi bà chúa Mía một người thiếp của vua Trịnh Tráng xây dựng ngôi chùa Mía và dạy cho người dân làng Đường Lâm cách trồng mía và làm kẹo. Từ vị ngọt thơm của cây mía, bà con đã làm ra các loại kẹo lạc, dồi, vừng thưởng thức cùng chén nước chè ấm nóng như thứ quà quê giản dị không thể thiếu của người dân nơi này.
Men theo những con đường hình xương cá, hệ thống đường quen thuộc của làng nghề nơi đây, chúng tôi được gặp gỡ với gia đình ông Cao Văn Hiền ( thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm) chủ cơ sở Hiền Bao với thương hiệu có tiếng trên thị trường.
Chia sẻ với phóng viên, ông Hiền cho biết, hơn 40 năm làm nghề, cũng là tiếp nối nghề nghiệp truyền thống của ông cha để lại, sản phẩm vẫn giữ hương vị cổ truyền đặc trưng. Để làm ra mẻ kẹo ngon thì khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng, có thể nói là quan trọng nhất để tạo nên sản phẩm chất lượng. Lạc phải chọn hạt nhỏ, tròn đều hạt, ngon, bùi, chắc hạt, những hạt sâu, hỏng phải loại bỏ, khi rang chuyển sang vàng đều là được. Lạc được trồng ở cánh đồng địa phương nên lạc rất thơm ngon chứ không phải nhập ở đâu cả. Mạch nha, đường mía, đều phải chọn lựa kỹ càng, ngày xưa thời các cụ chưa có đường kính thì nấu bằng mật mía, nha ngon óng lên màu mật ong, đường lấy vùng có cây mía mềm thì keọ mới mềm, thơm.
Kẹo lạc xứ Đoài |
Tỷ lệ pha chế các nguyên liệu tuân theo công thức phù hợp, kẹo được đun trên bếp than sẽ ngon hơn và đúng với cách nấu truyền thống. Mẻ kẹo ngon khi ngả sang màu nâu vàng, nhưng cũng còn tùy thuộc vào sự nhạy cảm của nghề nghiệp, kinh nghiệm và thời gian chuẩn xác nếu không món kẹo sẽ bị cứng, hoặc bị dai nên đòi hỏi nghệ nhân phải khéo léo và chính xác trong từng công đoạn nấu. Tất cả các khâu, công đoạn đều làm hoàn toàn thủ công bằng tay, máy móc chỉ hỗ trợ khâu bao gói
Ông Hiền cho biết thêm, sản phẩm kẹo Hiền Bao đã đi có mặt thị trường phía Nam nhưng chủ yếu là ở Hà Nội và các địa phương lân cận. khoảng 40% sản phẩm tiêu thụ ở thị trường thành phố, và 30% bán có mặt trong các gian hàng của Nhật Bản tại Việt Nam. Đặc biệt sản phảm kẹo lạc của gia đình còn đoạt giải Nhất cuộc thi sản phẩm du lịch làng cổ ở Đường Lâm do cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA tổ chức.
Ngày nay, không có nhiều hộ gia đình còn duy trì nghề làm kẹo truyền thống của làng Mía nhưng ông Hiền bảo mình rất vui vì có truyền nhân, những người con của ông mặc du đều đang học Đại học nhưng lại rất yêu thích nghề này và mong muốn giữ gìn, phát triển nghề ngày càng vững mạnh, lan rộng.
Đồng chí Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Đường Lâm cho biết: Hiện nay nghề tương cùng với một số nghề truyền thống của Đường Lâm đang có nhiều khởi sắc. Trong những năm qua, chính quyền địa phương hết sức quan tâm đến vấn đề giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa làng nghề của ông cha để lại. Đường Lâm tự hào được Nhà nước trao bằng di tích lịch sử quốc gia, cùng với sự phát triển của du lịch làng nghề, sản phẩm truyền thống của nhân dân địa phương đã đến được với du khách trong và ngoài nước.
Cũng theo ông Thành, để giúp người dân hưởng lợi từ các hoạt động du lịch làng cổ, UBND xã Đường Lâm đã đẩy mạnh công tác nhân cấy và dạy nghề truyền thong cho người dân. Chú trọn hình thức du lịch trải nghiệm, đồng thời định hướng lồng ghép các sản phẩm du lịch ngay tại các hộ gia đình để phục vụ khách tham quan. Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cũng đã đề ra một số biện pháp nhằm phát triển du lịch làng cổ như: tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, mời một số hộ dân tham quan các mô hình làng nghề phát triển như: mây tre đan, gốm sứ, tranh thêu… Qua đó mang lại lợi ích kinh tế thiết thực, tạo việc làm cho người lao động, mang lại thu nhập, nâng cao đời sống của bà con, thúc đẩy du lịch làng cổ ngày càng phát triển.
Với những người dân xứ Đoài, kẹo dồi lạc, vừng là một phần của quê hương và đi vào những câu ca như lời ru ngọt ngào của bà của mẹ:
Dù ăn bánh kẹo mười phương
Không bằng kẹo lạc bộn đường quê tôi
Trắng phau là phong kẹo dồi
Giòn tan kẹo bột, bồi hồi tình quê
Chè kho ngọt lịm đam mê
Nhớ cơm phố Mía, tìm về Đường Lâm.
Có lẽ không phải là vùng đất “thai nghén” cho loại kẹo ấy nhưng người dân Đường Lâm vẫn nuôi dưỡng món quà quê ấy đến ngày nay. Thứ quà quê dân dã khơi dậy cả miền kí ức tuổi thơ êm đẹp với những chiếc kẹo ngon ngọt mang dư vị của quê hương, xóm làng.
Mùa xuân đang tràn về trên khắp nẻo đường, ngõ xóm, khung cảnh làng quê đẹp bình yên trong tiết trời năm mới. Tự nhiên chợt nhớ bản nhạc mà cứ cất lên lại thấy xao xuyến, bồi hồi “Em đi Sơn Tây bao giờ chưa, tình quê đôi mắt nỗi mong chờ. Với nụ cười duyên ngàn năm ấy, xao xuyến một đời hương gió bay".
Comment